VƯƠNG QUỐC NHỮNG KẺ LẠ MẶT
Phan_2
“Rằng việc này sẽ mất vài năm. Các lãnh sự quán sẽ chẳng biết gì đâu. Cứ nhìn bọn họ tệ bạc thế nào với người sống thì biết.”
“Đúng vậy.” Adara nói. “Mình nghĩ họ đã đúng khi cho rằng hầu hết những phụ nữ này là lao động nước ngoài, có lẽ là người giúp việc.”
Chi tiết gây sốc nhất với Sở là có khả năng chỉ một người thực hiện vụ sát hại này, một người duy nhất, trong khoảng thời gian từng ấy năm, đã âm thầm giết những phụ nữ này mà không một ai để ý. Katya đã bắt đầu tập hợp hồ sơ về người mất tích, nhưng có khả năng những phụ nữ này chưa từng được khai báo là mất tích. Chủ của họ có lẽ cho rằng người giúp việc của mình bỏ trốn, giống như rất nhiều người khác đã làm vậy, để tìm một công việc tốt hơn hoặc thoát khỏi cảnh bị ngược đãi. Người giúp việc đó sẽ không muốn bị phát hiện, bởi cô ta có thể bị đi tù.
Cũng có khả năng kẻ giết những phụ nữ này đã thuê họ làm người giúp việc. Có thể hắn đã giữ họ ở một nơi biệt lập, từ từ tra tấn họ, từng người một, trước khi giết họ. Có thể ngay từ khi những phụ nữ này đến đây đã, không ai biết về sự tồn tại của họ ngoại trừ kẻ giết người.
“Cậu có biết gì về những kẻ giết người hàng loạt?” Adara hỏi.
Katya lắc đầu. “Không nhiều lắm.”
“Mình mới nghe họ sẽ mời một người từ FBI Mỹ sang, một chuyên gia về những tên giết người hàng loạt.”
“Nghe có vẻ hơi quá.” Katya nói. “Ý mình là, chúng ta từng mời họ rồi.”
Adara nhìn những thi thể nằm xếp hàng cạnh tường. “Mình đoán là bọn họ thấy vụ án này là một vụ khác thường. Một dạng mới, có lẽ vậy. Hắn ta đã ra tay trong vòng ít nhất mười năm rồi. Chánh Thanh tra Riyadh thấy xấu hổ. Mọi người đều thấy bị sỉ nhục. Họ không hề biết sự việc này diễn ra. Họ chậm mất mười năm. Cảnh sát đã phải mất bốn năm trời để lần theo tên giết người hàng loạt ở Yanbu. Riyadh sẽ không để vụ án này phải kéo dài lâu đến thế.”
Trên đường quay lại phòng thí nghiệm, Katya ghé vào văn phòng của Majdi, nhưng anh ta đang nghe điện thoại, mà các đặc vụ cũng đang quanh quẩn ở đó. Cô cúi đầu rảo bước về phía hành lang rồi rẽ sang đại sảnh. Mới trong tuần này các cơ quan tôn giáo đã đưa ra một sắc lệnh nhằm chống lại các nữ thu ngân, nói rằng những phụ nữ làm việc ở các khu vực công cộng, nơi có thể tiếp xúc vời nam giới, là tội lỗi. Có thể đây lại là một sắc lệnh nữa mà người Ả Rập Xê-út sẽ tự cảm thấy là sai trái nhưng sẽ hoàn toàn lờ nó đi, ngoại trừ ngài đại trưởng giáo chịu trách nhiệm thông qua sắc lệnh đó trên thực tế sẽ mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nó, bằng cách cấm đoán những phụ nữ không chỉ ở vị trí thu ngân mà còn ở tất cả các vị trí có liên quan đến việc tiếp xúc với nam giới. Các vị trí bị cấm hàng đầu sẽ là thực những cơ quan của chính phủ, nhất là khi sắc lệnh này được thi hành. Katya mong rằng các hoàng thân quốc thích hoặc chính nhà vua sẽ làm gì đó để xoay chuyển tình hình, nhưng cho đến khi đó thì tất cả những phụ nữ đang làm ở phòng thí nghiệm chỉ còn biết nín thở chờ đợi.
Chương 3
Chỉ còn biết chờ đợi khi thời điểm tồi tệ nhất xảy đến, cuộc sống của con trai Ibrahim sẽ đón nhận một cú sốc lớn. Cuộc hôn nhân của Zaki ngay từ đầu đã là tai họa. Ibrahim đã nhận thấy áp lực đó ngày một nặng nề trong suốt ba tháng trời ròng rã. Ngay cả sự việc kinh hoàng khi phát hiện ra mười chín thi thể kia cũng không đủ để thay đổi chiều hướng không thể tránh khỏi này như một tác động sâu sắc, đen tối và day dứt đối với thất bại gia đình của ông.
Đứa con trai yêu quý nhất của ông là Zaki. Ibrahim ngồi trong phòng xử án và lắng nghe con trai mình ra sức giải trình một lần nữa về bản thân cậu trước tòa. Cậu đã sai lầm. Mọi việc thật quá dễ dàng khi không hề biết gì về vị hôn thê của mình trước khi cưới cô ta. Bọn chúng - cả hai đứa - đều đang đòi ly hôn.
Ông thẩm phán chẳng có vẻ gì là đang lắng nghe nhưng có điều gì đó trong ánh mắt ông ta nói với Ibrahim rằng ông ta không chấp nhận được điều này, rằng lần nào ông ta cũng nghe cánh đàn ông lý sự như vậy. Nhưng Zaki phải nói gì đây? Rằng chưa bao giờ cậu có ý định cưới một người phụ nữ kiểu như Saffanah: ngoan ngoãn, mộ đạo, cầu nguyện năm lần một ngày, rồi mỗi tuần một lần yêu cầu cậu đưa tới Mecca? Vị thẩm phán hẳn sẽ tống cổ cậu ra khỏi phòng xử án vì hành vi bất kính đối với đạo Hồi.
Zaki thuật lại sự việc, rằng hằng sáng mỗi khi thức dậy, cậu đều thấy chiếc áo thụng của mình, tấm khăn trùm đầu và sợi dây buộc nằm gọn ghẽ trên giường. Rồi tất nữa - cô ta luôn để một đôi ngay cạnh chiếc áo thụng, phòng trường hợp cậu sẽ dở hơi mà thật sự dùng đến tất. Vào bếp, cậu sẽ thấy bửa sáng của mình được dọn sẵn trên bàn, cà phê cũng đã được pha và bỏ đường, bánh mì nóng hổi mới nướng. Sau bữa sáng, cậu sẽ thấy chiếc ví và chùm chìa khóa được đặt trên bàn ngay cửa trước. Cậu chỉ nhìn thấy Saffanah đúng một lần khi ngồi vào ô tô và quay đầu lại nhìn về phía căn hộ. Cô ta sẽ đứng phía sau ô cửa sổ với một bên cửa chớp đã khép lại, nhìn ra ngoài phố. Chí ít thì cậu cũng cho rằng phía sau bộ đồ trùm kín đó chính là cô ta, có ai khác nữa trong nhà đâu. Cậu không biết cả ngày cô ta làm gì ở nhà. Cô ta quá sùng đạo đến mức không dùng điện thoại di động. Cô ta nói rằng đó là những công cụ làm băng hoại đạo đức. Buổi tối khi cậu về nhà, bữa tối đã sẵn sàng. Chiếc thảm cầu nguyện của cậu cũng đã được trải bên cạnh bộ đồ sạch sẽ để cậu thay. Cô ta làm công việc chăm sóc cậu quá chu đáo trong khi lần nào cũng từ chối làm cái việc mà một người chồng luôn mong đợi ở vợ. Mỗi đêm khi đi ngủ, cô ta sẽ không đụng đến cậu. cậu còn chưa bao giờ được nhìn thấy cô ta khỏa thân. Cậu hiểu đó là mình có quyền yêu cầu, nhưng cậu không muốn ép buộc cô ta. Thực tế là cậu cũng không chắc mình có muốn chuyện đó hay không nữa.
Chỉ vài ngày sau đám cưới, thậm chí trước cả khi Zaki bắt đầu phàn nàn về việc này, Ibrahim đã nhận ra vấn đề. Mặc dù Saffanah chưa bao giờ làm ông thấy phiền, nhưng sự xa cách, sự im lặng và sự vâng lời tuyệt đối của cô ta đã bắt đầu đưa mọi chuyện theo chiều hướng đó.
“Đây.” Một đêm Zaki lớn tiếng. “Chính là lý do tại sao con căm ghét tôn giáo!”
“Không được nói vậy.” Ibrahim sửng sốt nói. “Con bé không phải người Hồi giáo. Nó thậm chí cũng không phải một trường hợp ngoan đạo của Hồi giáo.”
Cả hai đều nói trước tòa rằng họ chưa qua đêm tân hôn, và vì lẽ đó Saffanah vẫn là trinh nữ. Zaki cũng rất tế nhị khi đề nghị một bác sĩ kiểm chứng điều đó. Cha của Saffanah, Jibril, thì bật dậy khỏi ghế và lớn tiếng phản đối. Ông thẩm phán đã phải xua tay buộc ông ta trật tự và quay sang Zaki với ánh mắt hoài nghi sâu sắc.
“Nhưng đó là sự thật!” Zaki nói.
Jabril ngay lập tức lại phản đối. Ông ta biện luận rằng cho dù đã có chuyện gì xảy ra trong phòng ngủ đi chăng nữa thì đó cũng không phải là vấn đề. Saffanah kết hôn được ba tháng rồi. Không một người đàn ông nào sẽ tin cô còn trinh tiết, ngay cả khi điều đó là sự thật. Ibrahim ghét phải thừa nhận rằng cái lý lẽ khó chịu này có cái lý của nó. Sẽ rất khó để Saffanah tái hôn.
Cô ta đang ngồi phía Ibrahim. Không để hở bất cứ một phần da nào trên cơ thể, chiếc áo dài có khăn trùm đầu của cô ta là một tấm vải đen không thể nhìn qua được, cô ta còn mang cả bít tất và găng tay nữa. Nhưng tư thế của cô ta đã nói lên tất cả. Cô ta thu mình trong ghế, hai cánh tay ôm lấy phần thân trên, đầu cúi xuống. Saffanah - “viên ngọc trai”. Cô ta trông lúng túng, vụng về, e dè một cách khổ hạnh. Khuôn mặt cô ta méo mó, trông lổn nhổn như một cục bột nhào. Chẳng có chút gì le lói hết. Viên ngọc trai - như chỉ giấu mình trong đó cô ta mới có thể trở thành vết thương thầm kín trong nội tâm yếu mềm của Zaki.
Lần duy nhất mà Ibrahim từng thấy hai đứa trao đổi với nhau là khi Saffanah mua bữa tối cho Zaki. Cô ta không ăn với đàn ông vì tin rằng người vợ mà ăn cùng chồng là không phải phép. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cô ta ăn nhanh hơn chồng mình? Cô ta sẽ ăn xong trước! Thậm chí cô ta có thể ăn nhiều hơn cả chồng! Như vậy là, theo đúng lời cô ta nói, người vợ đó đã ‘hành động như một người chồng’, và đó là trọng tội. Ibrahim cố gắng giải thích rằng ‘hành động như một người chồng’ là cách nói tránh hợp pháp đối với tội đồng tính luyến ái, nhưng khi ông nhắc đến từ đồng tính luyến ái cô ta đã bịt tai lại và bắt đâu lầm rầm cầu nguyện bởi đó là những ngôn từ tội lỗi. Cô ta còn cầu nguyện cho Ibrahim được che chở nữa, bởi ông đã trở thành tội đồ khi dám thốt ra những ngôn từ xấu xa đến thế, và khi ông nói thôi, đừng có ngớ ngẩn như vậy, cô ta đã dành cả buổi tối còn lại để vẩy nước thánh khắp ngôi nhà - hãy tĩnh tâm - và dâng mình cho Allah.
Cô ta đã khiến cho mẹ của Zaki trở thành mẫu người tiết chế hiếm có.
Ibrahim hiểu rằng sai lầm lớn nhất của ông là không phẩn đối vợ mình, Jamila. Bà ta đã ép buộc Zaki phải cưới Saffanah, một bà cô không chồng hai mươi hai tuổi. Cô ta hoảng hốt vì sợ mình không lấy được chồng bởi nhà tiên tri đã nói rằng tín đồ Hồi giáo chuẩn mực nên kết hôn. Cô ta đã tuyệt vọng, và hẳn sẽ không ai muốn lấy cô ta. Còn Zaki, mới mười chín tuổi, không phải cực kỳ đẹp trai, là con trai thứ với một công việc xoàng xĩnh, hay kiểu như mẹ cậu vẫn hay kêu ca như vậy. Ibrahim đã có thể làm nhiều hơn để ngăn chặn việc này xảy ra. Sao mọi thứ vẫn vội vàng thế? Vì với Jamila, ông đã học được cách lựa chọn những trận chiến cho mình, và trong trận chiến này, bà ta đã khơi mào với một loạt ba-zô-ka và súng phóng lựu chống tăng phản lực, tiếp đến là vũ khí hạt nhân, và ông không có được sức mạnh để chống trả. Giờ đây ông đang phải trả giá vì điều đó, phải dẫn dắt Zaki và Saffanah qua những ngày tháng khổ đau.
Ibrahim nhìn đôi trẻ, cả hai đều đang nhìn về trước, cùng lờ nhau đi. Ông tự hỏi sẽ thế nào nếu Saffanah lên tiếng bênh vực họ. Bênh vực họ. Có lẽ cô ta sẽ làm hỏng chuyện bằng cách nói với ông thẩm phán rằng chồng mình là một kẻ vô tín ngưỡng: anh ta hút thuốc. Anh ta không hề cầu nguyện năm lần một ngày. Thực ra, anh ta chẳng hề cầu nguyện chút nào hết. Và anh ta còn nghe nhạc nữa. Suy nghĩ đó khiến Ibrahim đột nhiên đau đớn bởi phần buồn nhất của cuộc hôn nhân thất bại này là việc Zaki từng có một cây ghi-ta, từng khát khao được chơi đàn, thậm chí đã lập cả một ban nhạc nhỏ, rồi sau đó, chỉ vì sự ngốc của chính mình và người mẹ độc đoán, đã phải cưới một người xa lạ trong khi đáng lẽ cậu sẽ tự do gảy đàn trong gara nhà ai đó và hưởng thụ nốt cuộc sống của một đời trai trẻ.
Từ phía bàn bên kia, Jibril đang vô cùng hả hê. Không khí im lặng càng kéo dài, thì dường như Jibril càng cảm thấy thỏa mãn vời chính mình. Ông ta đã có pháp luật chở che, và cả cái lý lẽ khó chịu kia nữa. Hợp đồng hôn nhân đã quy định rất rõ ràng nếu Zaki quyết định ly hôn, cậu sẽ phải trả cho Saffanah mười lăm triệu riyal - đủ để giúp cô ta có một cuộc sống thoải mái đến hết đời. Do một phụ nữ ly hôn không có người để nương tựa, cô ta sẽ phải cậy nhờ cha mẹ mình mãi mãi. Nhưng tất nhiên không ai trong gia đình có đủ số tiền đó. Ai mà có được số tiền đó cơ chứ? Ông đã thấy rất nhiều người đàn ông ly dị vợ và không bao giờ trả một xu nào, hay ít ra là không bao giờ trả đến hàng triệu bạc như đã thề thốt cả. Chính vì vậy mà với ông thẩm phán chuyện thật giản đơn - Zaki và Saffanah muốn ly hôn, và lời huấn đạo của Muhammad đã dạy rằng tất cả những gì cậu cần làm là nói với vợ mình ba lần câu “Tôi ly dị cô!”, chỉ vậy thôi. Thế là xong. Còn có thể nào dễ dàng hơn được chăng? Nhưng cha cô ta lại từ chối không tiếp nhận cô ta trở lại.
Điều này cũng khiến ông thẩm phán khó chịu. Ông ta ngồi đó, đưa mắt ngán ngẩm nhìn Ibrahim, gãi gãi bộ râu thưa thớt, nhìn chăm chăm vào cốc nước, nhìn lên những chiếc quạt trần, rồi lại nhìn xuống những viên gạch lát sàn đã sứt mẻ, tất cả chỉ để cố tỏ ra mình đang suy nghĩ trong khi rõ ràng là đang vô cùng bối rối. Ibrahim có thể hiểu tâm trí ông đang rối bời. Phần tốt của ông ta thì nói: hãy để bọn trẻ ly hôn! Nhưng phần tự cao tự đại thì đang phải đấu tranh với tính pháp lý của việc phá vỡ hợp đồng.
Khi đến lượt mình lên tiếng, Jibril đứng lên và nói với các thẩm phán rằng Zaki đã hủy hoại con gái ông ta và rằng khi cậu chưa trả được mức tiền bồi thường mà hợp đồng hôn nhân đã quy định, gia đình ông ta sẽ không tiếp nhận con gái trở lại. Hiển nhiên điều đó đã buộc Zaki phải tự chủ hết mức để không hét lên. Ibrahim cảm thấy sự thôi thúc phải lên tiếng. Ông muốn nói với thẩm phán rằng Jibril là chúa bịp bợm. Rằng ông ta đã ly dị người vợ đầu tiên mà không trả nổi đến một trăm riyal và rốt cuộc là Saffanah và mẹ cô ta đã rơi vào cảnh bần cùng đáng thương. Rằng Jibril từng có bảy bà vợ và hiện tại có bốn bà, người nào cũng đang mang bầu, trong khi bọn họ đã có với nhau mười hai mặt con, và nếu ông ta không quá sung mãn trên giường đến vậy thì hẳn đã có thể đã hào phóng hơn với đứa con đầu tiên, Viên ngọc trai tội nghiệp, và người mẹ khốn khổ của cô ta.
Jibril vẫn đang thao thao bất tuyệt. Mặc dù ông ta rất yêu quý con gái, nhưng không thể đón nhận cô ta trở lại. Saffanah đã hai mươi hai tuổi rồi, cơ may để cô ta tái hôn thực tế là bằng không. Làm sao cô ta có thể tự lo cho mình được đây? Liệu cô ta có trở thành gánh nặng cho bố mẹ suốt quãng đời còn lại không? Bọn họ sẽ phải lo liệu cho cô ta từ việc ăn, ở đến việc thường xuyên thăm viếng Mecca sao? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông ta chết? Con gái ông ta sẽ cô độc, không con gái, không tiền bạc, không chồng, không tương lai. Khi đó thì nhà nước sẽ phải chăm sóc cô ta, lẽ nào lại không? Và ai mà chẳng biết nhà nước chăm sóc những phụ nữ cô độc tuyệt vời đến mức nào! Con bé sẽ trở thành gái mại dâm, ai cũng hiểu như vậy.
Chỉ có điều là ông ta không hẳn dùng từ gái mại dâm, mà dùng từ không đứng đắn. Con bé sẽ trở nên không đứng đắn. Vậy là Saffanah - người phụ nữ đã lôi tờ lịch biểu cầu nguyện nhàu nhĩ ra khỏi thùng rác và là nó phẳng lỳ - Saffanah sẽ bắt đầu đứng đón khách làng chơi ở đường Corniche. Ibrahim nhìn ông thẩm phán đang lặng lẽ khuấy kem. Không đứng đắn. Đó chính xác là từ ông ta cần phải bám vào nhằm đưa ra quyết định. Vấn đề này thật phức tạp cho đến khi cái từ đó bật ra. Giờ thì thật đơn giản: không gì có thể biện minh cho việc đẩy một người phụ nữ vào cảnh đời tan nát, mặc dù cô ấy muốn thoát khỏi những nỗi bất hạnh này thế nào đi chằng nữa.
Nét mặt ông thẩm phán đã nói lên tất cả với Ibrahim: không ly hôn, các bạn trẻ ạ, xin lỗi nhé.
Ibrahim cảm thấy hai bên thái dương giật giật. Chỉ mới tuần trước thôi một người đàn ông đã ly dị vợ tại chính phòng xử án này chỉ vì cô vợ xem một phát thanh viên nam trên truyền hình một mình. Cô ta đã ở một mình trong phòng với một người đàn ông lạ mặt. Chẳng quan trọng khi anh ta chỉ có trên màn hình phẳng. Gã chồng ngơ ngẩn đó đã ly dị vợ, mà Zaki thì lại không thể sao?
Bọn họ đứng ngoài phòng xử án và nhìn Jibril lái xe đi. Zaki giúp Saffanah ngồi vào ở ghế sau ô tô. Cô ta dò dẫm để ngồi vào ghế, va cả đầu vào thành cửa xe. Ibrahim đã thấy cảnh này trước đây rồi. Zaki sẽ nhắc cô ta thắt dây an toàn. Hằng năm số người chết vì không đeo dây an toàn nhiều hơn bất cứ nguyên nhân tử vong nào khác, không hiểu cô ta có biết điều đó không? Cô ta sẽ lắc đầu - không phải ý là Không, em không biết điều đó, mà là Không, em chịu thôi. Cô ta sẽ khoanh tay lại, đó là kiểu thắt dây an toàn Saffanah, và cứ ngồi như vậy đến khi Zaki khởi động xe. Làm sao có thể thắt dây an toàn được khi mà Saffanah luôn e ngại sợi dây an toàn thắt chặt vào người làm lộ rõ thân hình và bất cứ người đàn ông nào lái xe ngang qua cũng nhìn thấy dáng hình của cô ta, và điều đó là không thể chấp nhận được.
Sau khi nhìn cô ta va đầu vào khung cửa xe, Zaki nói: “Cô nên mặc bộ áo choàng nào có khe hở cho mắt chứ.”
Cô ta không đáp.
Ibrahim định ngồi vào băng ghế sau nhưng Zaki đã ngăn ông lại. “Bố, bố làm ơn lái xe giúp con. Con sẽ đi bộ.”
“Gì cơ?” Ibrahim thốt lên. “Không được. Cứ về nhà đã. Đi bộ giờ này nóng lắm.”
Khuôn măt Zaki tái đi vì phải kìm nén cơn giận dữ. “Nếu thấy nóng quá, con sẽ bắt taxi.” Anh nói. Đoạn trừng mắt nhìn Saffanah lần nữa rồi quay bước đi.
Ibrahim ngồi vào xe và nhìn Saffanah trong gương chiếu hậu. Cô ta hướng mặt về phía trước và nghếch lên đầy thách thức. “Thắt dây an toàn của con vào đi.” Ông nói, chỉ để nhắc cô ta rằng thế là đủ lắm rồi.
Ibrahim nổ máy. Ông hiểu rằng thật không phải khi nổi nóng với cô ta, nhưng ông không chịu đựng được. Sự im lặng đầy thù nghịch và theo kiểu đổ dầu vào lửa của cô ta chẳng lạ lẫm gì. Jamila lúc nào chẳng tỏ thái độ như vậy, chỉ là không có ẩn ý tôn giáo nào mà thôi.
Xe chạy cách phòng xử án chừng ba tòa nhà thì Ibrahim nghe thấy tiếng ậm ọe từ phía ghế sau. Ông xoay người lại thì thấy Saffanah đang kéo tay nắm cửa. Ngay lập tức ông dừng xe. Cô ta đẩy cửa mở ra, ngả người ra ngoài, rồi nôn thốc tháo lên mặt đường, nhưng bởi cô ta không vén tấm áo choàng lên nên đám nôn tung tóe khắp mặt vài của chiếc khăn che mặt và chảy xuống tà trước của chiếc áo trùm bên ngoài. Chỉ có một ít bị bắn tóe lên hè đường.
Ibrahim lao ra ngoài và chạy vòng sang phía cô ta, nhưng khi ông đến nơi thì cô ta đã ngồi ngay ngắn trở lại, tấm mạng che mặt dính bết vào cằm. Cô ta sẽ không tháo bỏ nó ở nơi công cộng, ngay cả khi ngồi trong ô tô và ngay cả khi đám nôn mửa dính đầy mình.
“Đợi ở đây.” Ông nói, rồi để mặc chiếc xe đỗ cạnh một chiếc khác, chạy bộ dọc con đường đến khi thấy một cửa hàng rượu vang ở góc phố. Ông mua khăn giấy, nước đóng chai và kẹo cao su. Ơn trời, ông chủ cửa hàng là một người tốt bụng, đã chạy ngay lên tầng trên căn hộ của mình, bắt được chiếc mạng che mặt của vợ và đưa nó cho Ibrahim. Khi Ibrahim trở lại xe, ông để những thứ đó lên băng ghế sau cạnh Saffanah. “Đây.” Ông nói. “Vài thứ để con lau chùi cho sạch sẽ. và cả khăn mới nữa.” Rôi ông vào xe và bắt đầu lái đi.
Ông chạy xe theo đường cao tốc và khi gần về đến nhà ông mới để ý thấy Saffanah đang dùng khăn giấy lau mặt. Cô ta cúi xuống để tránh ai đó lái xe ngang qua trông thấy việc tế nhị đó, rồi tháo bỏ chiếc khăn đã bẩn và đeo khăn che mặt mới vào. Cô ta đưa một thanh kẹo cao su vào miệng. Vài phút sau cô ta mở một chai nước, luồn vào dưới mạng che mặt rồi nhấp một ngụm.
Ibrahim thấy nhẹ lòng và hướng sự tập trung trở lại việc lái xe. Ông rẽ vào đường nhánh chạy qua khu phụ cận rồi thẳng hướng chạy về khu ngoại ô phía nam thành phố. Giao thông ở đây thưa thớt, ông đã thấy sa mạc hiện ra phía trước. Trong phút bốc đồng, ông quyết định lái xe đi thẳng.
Một lát sau, Saffanah bắt đầu nhìn ra ngoài cửa sổ. Ibrahim không chắc cô ta có nhìn rõ qua tấm mạng che mặt và tấm kính màu hay không, nhưng rõ ràng cô ta đã nhận ra họ đã đi quá điểm dừng mọi khi. Ông quyết định không giải thích gì cả. Không khí trong xe nặng mùi ói mửa nên ông hạ một tấm kính cửa sổ xuống và bật điều hòa lên.
Qua dáng vẻ và cái nghiêng đầu của Saffanah, Ibrahim hiểu cô ta đang chột dạ và lấy làm lạ. Phía bên phải xe hiện ra một cánh đồng rộng mênh mông cùng vài con lạc đà sau hàng rào dây thép. Phía bên kia là một ngôi nhà nhỏ. Ông dừng lại, đỗ xe sát một bên lề đường rồi vòng ra phía cửa sau để giúp cô ta ra khỏi xe.
Ông ngạc nhiên khi cô ta không hề tỏ ra kháng cự. Cô ta không hỏi một câu hay nói một từ nào từ khi vào trong xe. Ông đã cố nghĩ về cô ta như một đứa con gái - ông đã cố nhiều tháng nay rồi - nhưng ông vẫn không thể xua đi cái ý nghĩ rằng ông sẽ không bao giờ để bất kỳ đứa con gái nào của mình có hành xử như vậy cả, ông sẽ không bao giờ khuyến khích sự cô độc mộ đạo và sự phô trương tôn giáo kiều này - một thứ biến thể của tôn giáo, một sự phóng tác của một kẻ nào đó. Nhưng khi ông mở cửa xe và Saffanah bước ra, bước chân nhẹ nhàng của cô ta đã khiến ông thấy thoải mái. Có lẽ trong suốt thời gian này, cô ta chỉ cần được ra khỏi thành phố.
Một người đàn ông Bedouin trung niên bước ra khỏi ngôi nhà nhỏ và bắt đầu trao đổi với Ibrahim. Saffanah đứng sang bên nhìn ngắm những con lạc đà, ba con bước tới chỗ hàng rào và lúc này đang nghiêng mình về trước, rướm cái cổ dài để với tới cô ta. Một cách rụt rè, cô ta tiến về chúng, đưa tay lên gãi nhẹ bên tai một con. Con lạc đà khịt khịt rồi dụi cái mui vào cổ cô ta. Nó có ngửi thấy mùi ói mửa không nhỉ? Ibrahim tự hỏi. Nhưng có vẻ là không, bởi con lạc đà đã ngoạm răng vào phần dưới chiếc khăn trùm đầu của cô ta. Saffanah co rúm người rồi bước lùi lại, chiếc khăn trùm bị xé toạc rồi rơi ra. Cô ta vội cúi đầu quay sang một bên, né khuôn mặt để tránh người đàn ông Bedouin. Nhưng cô ta không phải quá lo lắng, vì người đàn ông kia đã nhanh hơn cô ta. Ông ta ngay lập tức quay về phía con lạc đà, lắc lắc đầu cười phá lên và với lấy chiếc khăn trùm đầu. Nhưng con lạc đà bỏ chạy và ông ta phải đuổi theo nó khắp cả bãi rào.
Phải mất một lúc Ibrahim mới nhận ra Saffanah đang cười. Cô ta chầm chậm quay người lại, nụ cười vẫn ánh lên trong đôi mắt, và khi nhận thấy người Bedouin kia đã lịch sự quay lưng lại phía mình thì quả thực trông cô ta rất vui vẻ.
“Đồ vô duyên kia.” Người đàn ông Bedouin cằn nhằn với con lạc đà. “Mi quả là một tay già xấu thói.”
Hai con lạc đà còn lại vẫn đứng bên hàng rào, khụt khịt cái mũi bên cổ Saffanah một cách hào hứng. Ibrahim vừa quan sát cô ta, vừa lắng nghe người Bedouin quở trách con lạc đà. Đột nhiên Saffanah cọ mũi vào một trong hai con lạc đà. Một cử chỉ nhẹ nhàng đến diệu kỳ đã truyền tải một điều lớn hơn thế: sự thiếu vắng và buồn tủi, niềm khát khao được mang đến sự thoải mái cũng như được nhận nó, và giống như một lời cầu xin: hãy tha thứ cho con.
Có thể do cử chỉ, có thể do việc ói mửa, mà một ý nghĩ đột nhiên lóe lên trong tâm trí Ibrahim. Con bé đã có thai. Không có lý nào. Saffanah sùng đạo đến mức không thề nào lại đẩy mình vào hoàn cảnh như vậy được. Điều này thật phi lý. Nhưng mười lăm năm làm việc trong ngành cảnh sát đã dạy ông biết tin vào trực giác của mỉnh. Có thai? Máu hai bên cánh tay ông như dồn cả lên mặt. Ông giữ chặt hai bàn tay trong túi quần và một tay nắm chiếc điện thoại di động. Da ông như bị hàng ngàn mũi kim châm. Saffanah?
Ông không thấy tức giận, đúng vậy. Ông thấy sững sờ và thất vọng. Con bé đã gặp kẻ cưỡng bức khi nào vậy? Ông có cảm giác chắc chắn đó không phải là Zaki - con trai của ông đã phàn nàn quá mức về sự lãnh cảm của cô ta đủ để khiến ông không nghi ngờ kẻ đó chính là con mình. Zaki thường xuyên ra khỏi nhà càng nhiều càng tốt, Chúa ơi, cô ta có thể gặp gỡ bất cứ gã đàn ông nào!
Cô ta đã nhận thấy thái độ khác lạ của Ibrahim và lúc này đang lo lắng vuốt ve con lạc đà. Ngay khi người Bedouin kia đi đủ xa, Ibrahim tiến về phía cô ta. Ông gạt tay cô ta ra khỏi mặt con lạc đà và nắm chặt lấy nó. Đó là lần đầu tiên ông chạm vào cô ta.
“Saffanah. Nhìn bố đây.” Ông nói một cách đàng hoàng, nhưng cô ta tỏ vẻ như thể ông đang cầm roi da. Ông siết chặt bàn tay cô ta để cô ta cảm thấy vững tâm. “Con đang có thai.”
Cô ta lùi lại, giật tay ra với vẻ sững sờ phủ nhận.
“Đó không phải là câu hỏi.” Ông vừa nói vừa siết tay cô ta chặt hơn. “Đã lâu chưa?”
“Con không…”
“Bố là cảnh sát, Saffanah ạ. Bố biết khi nào người ta nói dối. Hãy nói cho bố biết, bố sẽ không nói với ai. Bố hứa như vậy.”
Cô ta nhìn ông chằm chằm. Cô ta đã thể hiện rất đạt cái vẻ phẫn nộ trên gương mặt. Thực ra cô ta đã thể hiện rất đạt tất cả mọi thứ. Và cô ta còn ương bướng nữa. Sẽ không đời nào cô ta thừa nhận sự thật, và dọa nạt cũng không làm nản sự kháng cự của cô ta. Ông đành thở dài.
“Thôi được rồi.” Ông nói và buông tay cô ta ra. “Bố chỉ nghĩ vậy - khi con bị ói mửa trên xe…”
Cô ta quay lại phía bãi quây nuôi lạc đà. Mấy con lạc đà vẫn dụi mõm vào cô ta, còn cô ta thì tiếp tục vuốt ve chúng, nhưng tay cử động như một cái máy.
Ibrahim nhận ra rằng họ sẽ không bao giờ gửi trả cô ta được nữa. Nếu cha cô ta biết chuyện thì ông ta sẽ buộc Zaki phải chu cấp cho đứa trẻ suốt đời. Nếu biết đó không phải là con của Zaki thì ông ta sẽ buộc con gái mình phải chịu tội thông dâm.
Hai cánh tay Ibrahim vẫn đang tê buốt và ông nhận ra lúc này ông đang lo lắng cho cô ta. “Vậy thì.” Ông nói, “sau những gì xảy ra hôm nay, bố nghĩ ý hay nhất là hãy về nhà và quan hệ với Zaki.” Nghe đến từ quan hệ thì bàn tay cô ta khựng lại trên tai con lạc đà, rồi lại từ từ tiếp tục vuốt ve nó. “Chẳng bao lâu nữa con sẽ mang thai và có con. Nếu con không muốn vậy thì Zaki sẽ nhận ra đứa bé không phải con của nó. Mẹ có biết chuyện này không?”
Cô ta đưa mắt nhìn Ibrahim tỏ rõ sự căm phẫn.
“Tạ ơn Chúa.” Ông lẩm bẩm.
Đúng giây phút ấy có điều gì đó như gắn kết giữa họ, một không gian từ tính của những bí mật được sẻ chia. Cô ta thôi không vuốt ve đám lạc đà nữa, mà vòng tay ôm lấy eo rồi nhìn chăm chú hàng rào. Nếu đây chính là con gái của ông - một trong hai đứa sinh đôi, giả dụ vậy, bởi Farrah quả thực là vô vọng rồi - và nếu như cô ta không phải đang mang bầu, ông sẽ nói với cô ta rằng tốt hơn hết cô ta nên đi học trước khi hủy hoại dáng hình yêu kiều của mình vì chuyện bầu bí hay kiều ăn uống quá đà vì buồn chán và bị mắc kẹt như một bà nội trợ Ả Rập Xê-út chuẩn mực. Ông sẽ nói với cô ta rằng tốt hơn hết nên có một sự nghiệp riêng phòng trường hợp chồng cô ta làm một kẻ bất lương mà bỏ cô ta lại một mình chăm lũ con thơ. Ông sẽ cố gắng để tạo dựng cho cô ta sự mạnh mẽ, một tinh thần quyết liệt, đó là sức mạnh đem lại phẩm giá của một cá nhân, ít nhất là trong gia đình ông, phẩm giá đáng quý trọng nhất của một người phụ nữ. Nhưng ông có cảm tưởng rằng Saffanah sẽ không hưởng ứng những quan điểm ấy.
Người đàn ông Bedouin mang chiếc khăn trùm đầu trở lại, và Ibrahim cảm ơn ông ta. Chiếc khăn ướt nhẹp vì nước bọt của con lạc đà và phần dưới đã rách toạc, nhưng Ibrahim vẫn nói là nó ổn. Saffanah nhận lấy nó một cách lễ phép và ngay lập tức trùm lên đầu mình.
Bọn họ đi bộ trở ra xe ô tô, nhưng Ibrahim buộc Saffanah phải ngồi lên ghế trước, và ông không chịu nổ máy xe cho đến khi cô ta đeo dây an toàn vào. Cô ta chậm rãi thực hiện như một đứa trẻ khó bảo. Họ không nói gì, nhưng Ibrahim hiểu là cô ta muốn nói điều gì đó. Có lẽ là: Bố không thực sự nghĩ con có thai đấy chứ? Ông không cảm thấy muốn nói chuyện một chút nào.
Mặt trời khuất dần khi họ ra đến đường chính. Cả khoảng trời ngập tràn trong ánh hồng rực rỡ và trong khoảnh khắc Ibrahim cảm giác như đang được cuộn mình trong một đám kẹo bông. Nó gợi cho ông nhớ lại thời niên thiếu và mỗi lần được đi hội chợ vào buổi tối. Ông cũng đã trở lại chính những hội chợ đó cùng con cái mình, nhưng lần nào Jamila cũng biến chúng thành kỷ niệm đau buồn. Và bây giờ chuyện gì sẽ xảy đến với Zaki và Saffanah, chúng sẽ đến hội chợ và căm ghét nhau ra mặt cùng với đứa con thậm chí cũng không phải của chúng sao?
Ông với tay vào hốc bên cửa xe và tìm bao thuốc lá, châm một điếu rồi bõ cái gối lên trước tay lái. Ông hơi cảm thấy có lỗi khi hút thuốc cạnh một phụ nữ mang thai, nhưng lạ chưa kìa, ngày hôm đó quả là chưa hết những điều kinh ngạc. Saffanah rút một điếu từ trong bao thuốc. Ông kinh ngạc đến mức không thốt lên được lời nào. Saffanah - hút thuốc lá? Cô ta thậm chí còn không thèm đưa một ánh mắt hối lỗi nào về phía ông trước khi châm điếu thuốc, rít một hơi ngay qua tấm mạng che mặt.
Ngay giây phút đó thì mọi chuyện đã quá rõ ràng. Saffanah ông từng biết là hoàn toàn dối trá. Sự mộ đạo của cô ta giờ đây giống như mọi thứ giả cách, một tấm chắn để cô ta đẩy Zaki ra xa - có lẽ vì cô ta đã yêu người khác chăng? Quỷ sứ, cô ta đã cố tình né tránh cả gia đình. Cô ta mới chân thật làm sao, ông không thể nào tưởng tượng nổi.
“Con không nên hút thuốc.” Ông ngập ngừng nói. “Ngay cả khi con không có thai.”
Cô ta không đáp. Liếc nhìn sang, ông thấy tấm mạng che của cô ta đang dính vào mặt, một dòng nước lăn dài trên hai má. Cô ta đang khóc.
“Ôi, Saffanah.”
Ibrahimđỗ xe tại một góc phố xa nhất trong tầm mắt của ngôi nhà. Ông muốn cho cô ta một cơ hội để bình tâm lại trước khi đối mặt với cả gia đình, phòng trường hợp có ai vô tình ở ngoài nhà. Đường phố vắng hoe. Họ ngồi lặng thinh trong xe, Saffanah quay mặt ra cửa sổ và có lẽ chẳng để nhìn gì hết. Trời đã tối, và theo kinh nghiệm thì ông hiểu một điều rằng đeo mạng che mặt khi trời tối thì chẳng khác gì bị mù. Thực tình có lần ông đã thử đeo nó vào ban đêm - ông và ông anh trai Omar đã đi tới đi lui cả tòa nhà với tấm khăn trùm đầu của hai bà vợ, chỉ để phân giải cho cuộc tranh cãi về việc liệu có phải vợ của Omar, Rahaf, có khả năng vô tình bước vào xe ô tô nhà hàng xóm khiến cho chuông báo động kêu ầm ĩ và làm họ tức điên lên hay không. Omar đã khăng khăng rằng vợ mình làm việc đó có chủ ý, nhưng Ibrahim tranh luận rằng kể cả cái khăn trùm mà có khe nhìn cho mắt đi chăng nữa thì vẫn khó có thể quan sát được mình đang làm gì. Chính vì vậy mà Saffanah tránh nhìn ông như âm thầm cầu xin một sự riêng tư - hay một sự tha thứ, ông không chắc là ý nào mới đúng nữa.
Khi ông hút hết điếu thuốc cuối cùng, cả hai cùng bước ra khỏi xe. Saffanah dò dẫm trong bóng tối. Ông đi vòng sang phía cô ta và nói: “Đi cạnh bố. Bố không muốn con làm chuông báo động của bất cứ chiếc xe nào kêu đâu.” Cô ta nghe lời ông và họ bước chậm rãi xuôi theo con đường. Ibrahim để ý từng bước chân của cô ta để đảm bảo cô ta không bị vấp. Khi ông cùng cô ta về đến nhà, ông nghe tiếng vợ mình bước xuống tầng dưới, lẩm bẩm cằn nhằn không rõ là chuyện gì nhưng ông hoàn toàn hiểu được. Bà ta lại đang phàn nàn về ông, có lẽ là vì việc Ibrahim đã không thể làm gì cho chuyện ly hôn của con trai mình.
Saffanah không tháo khăn trùm đầu cho đến khi họ lên đến tầng hai. (Mấy người hàng xóm ở tầng dưới nhiều khi cư xử không đúng mực). Chính vì vậy ông tiễn cô ta lên tận cửa. Cô ta nhìn ông lần cuối với ánh mắt khiếp hãi trước khi bước vào trong.
Mười phút sau, Ibrahim lái xe trở lại thành phố. Ông đi theo đường Corniche. Những ngã tư và tượng đài sáng lấp lánh ánh đèn - đèn giao thông, đèn đường, đèn pha và đèn từ những tòa nhà chung cư, cả một dòng chảy ánh sáng bên bờ Biển Đỏ tối mịt mùng.
Ông đỗ xe ở chỗ cũ ngay dưới tòa nhà của Sabria, khoảng diện tích được phân bố cho căn hộ của cô mà cô có thể sử dụng nếu được phép lái xe. Giả thử những người hàng xóm có để ý đến Ibrahim thì họ cũng cho rằng ông là bố của cô. Trông ông cũng lớn tuổi chừng ấy. (Mặc dù có lần một phụ nữ hàng xóm tưởng nhầm ông là tài xế và đã xin ông cho đi nhờ xe.) Có những lúc rối trí, ông đã cân nhắc đến việc đỗ xe ở đâu đó trên phố để không ai nghi ngờ Sabria có khách nam giới đến nhà, nhưng khu vực có thể gửi xe ở đây rất hiếm gặp. Thật nhẹ lòng khi có một nơi dành riêng cho mình, bởi càng đến đây, dường như ông càng khẩn khiết muốn được gặp cô. Ban đầu, cô là người cần đến ông nhiều hơn - vì nhu cầu tình dục, vì một nguồn động viên an ủi, và chỉ vì những việc giản đơn như đi khám chẳng hạn. tuy không kết hôn, nhưng thực chất cô đã trở thành người vợ thứ hai của ông. Trong suốt hai năm qua, nhu cầu gặp cô ngày càng nhiều hơn ông tưởng.
Ông thấy một phụ nữ bước vào thang máy, nên ông đi thang bộ. Hàng xóm ở đây chủ yếu là người nước ngoài - một tay bác sĩ người Ấn Độ, vài cặp vợ chồng người Ai Cập, đều không phải là những người quá để ý đến tình trạng hôn nhân của Sabria hay người đàn ông vẫn thường ghé qua nhà cô mỗi tối rồi rời đi trước bình ninh. Cũng vậy cả thôi, ông nghĩ tốt hơn là tránh chuyện trò với họ.
Ông bước liền hai bước một trên cầu thang bộ và không hề mệt khi lên đến tầng bốn. Ông bước thẳng về phía cửa căn hộ của cô. Khi cô không mở cửa, ông bắt đầu cảm thấy ngực mình nghẹt lại. Tim ông đập thình thịch. Đáng lẽ ông nên đi thang máy mới phải. Ông gõ cửa lần nữa. Vẫn không động tĩnh gì.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian